Mục lục nội dung
Chúng ta thường hay bị thu hút bởi những điều hào nhoáng, vui tươi từ trong đời sống lẫn công việc. Cũng chẳng lạ gì, khi không ít các bạn trẻ ngày nay thường yêu thích cái nghề tổ chức sự kiện. Cái nghề mà nhìn vào chỉ thấy những cuộc vui, được tiếp xúc với người nổi tiếng, hay vô vàn những lý do khác.
Nếu bạn đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề cho tương lai? Nếu bạn đang loay hoay không biết có nên dấn thân vào nghề “sau ánh hào quang”? Nếu bạn muốn hiểu nhiều hơn về tổ chức sự kiện, hiểu được những giọt nước mắt nghề sự kiện? Hay chỉ đơn giản bạn đang tìm kiếm sự đồng cảm trong chính ngành nghề mà mình theo đuổi? Bài viết này chính là dành cho bạn!
“Nước mắt nghề sự kiện” – Chuyện hậu trường chưa kể
“Làm sự kiện vui lắm” – Nhiều người thường bảo vậy! Đúng là vui thật đấy, nhưng mấy ai biết được đôi khi niềm vui trong nghề sự kiện còn được đánh đổi bằng cả những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt thầm lặng phía sau sân khấu mà nếu không phải “người trong nghề” thì ít ai có thể hiểu được.
Ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng, hoành tráng và chuyên nghiệp của một sự kiện, làm sao thiếu được sự hy sinh của những con người thầm lặng, sẵn sàng lùi về sau sân khấu! Sẵn sàng dành hết thời gian, tâm huyết của mình để chuẩn bị chu đáo cho “đứa con tinh thần” được diễn ra suôn sẻ. Cũng vì hai chữ “tâm huyết” mà đôi khi nước mắt đã rơi.
Người làm sự kiện lạ lắm! Vui cũng khóc, buồn cũng khóc, đôi khi không có gì tự nhiên nghĩ đến những trải nghiệm trong nghề của mình rồi cũng bật khóc. Vậy mới nói, nước mắt nghề sự kiện mang rất nhiều ý nghĩa. Là giọt nước mắt của hạnh phúc, của vui sướng. Là nước mắt của những bất lực, mệt mỏi. Là nước mắt của tình đồng chí, đồng đội, của những người “anh em”.
Những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa
Ai bảo chỉ khi buồn, khi đau mới có thể khóc? Thử “dấn thân” vào nghề tổ chức sự kiện xem cảm giác “hạnh phúc đến chảy nước mắt” là như thế nào! Nếu niềm vui cũng có thể khiến bạn bật khóc. Vậy chắc chắn niềm vui đó có ý nghĩa rất đặc biệt, rất to lớn! Và niềm vui ấy những người làm tổ chức sự kiện sẽ càng hiểu rõ hơn ai hết.
Khóc khi “đứa con tinh thần” thành công viên mãn
Chỉ khi bạn thực sự yêu thích thứ gì đó, thực sự dành trọn tâm huyết, tình cảm cho chúng thì điều đó mới có thể lấy đi những giọt nước mắt của bạn! Cũng giống như những người làm sự kiện. Họ dành mọi tâm huyết cho điều mình đang làm, dành mọi thời gian để chăm chút “từng li từng tí”.

Mỗi bộ phận nhân sự sự kiện đều giữ vai trò quan trọng riêng trong sự kiện
Thế nên, khi nhìn “đứa con tinh thần” của mình diễn ra suôn sẻ và thành công; tự nhiên cảm thấy hạnh phúc, vui sướng đến vỡ òa. Cảm thấy những cố gắng của mình đã được đền đáp một cách xứng đáng. Cảm thấy tự hào, thấy vinh hạnh đến bật khóc. Hệt như các bậc cha mẹ nhìn những đứa con của mình lớn lên; và trưởng thành rồi chạm đến thành công vậy. Cảm xúc ấy, khó mà diễn tả được bằng lời!
Khóc vì nụ cười trên môi người tham dự
Có một loại niềm vui gọi là “sự lan tỏa”, là khi nhìn ai đó cười cũng bất giác cười theo. Và đặc biệt là khi niềm vui của người khác do chính bạn mang lại. Còn gì tuyệt vời hơn khi những sự kiện do mình tổ chức có thể chạm đến cảm xúc của người tham dự? Còn gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy những nụ cười hài lòng, những nụ cười sảng khoái trên môi người tham dự?
Hãy thử đi! Nếu bạn thực sự tò mò cảm giác được mang đến niềm vui cho người khác và lan tỏa niềm vui ấy. Nếu bạn cũng muốn nhìn thấy, cũng muốn cảm nhận sự đặc biệt từ những giọt nước mắt khi hạnh phúc vỡ òa. Hãy thử “theo đuổi” nghề tổ chức sự kiện!
Những “giọt nước mắt” hy sinh thầm lặng
Không có thành công nào tự nhiên đến một cách dễ dàng. Cũng không có sự kiện nào tự nhiên thành công mà không nhờ những cố gắng, nỗ lực không ngừng của đội ngũ ban tổ chức. Vì “lỡ yêu” nghề sự kiện mà không ngại thức khuya, dậy sớm, không ngại “bị dí” mọi lúc mọi nơi. Vì “lỡ thương” nghề sự kiện mà đôi lúc mệt mỏi đến kiệt sức vẫn không ngừng cố gắng chăm chút cho “đứa con” của mình. Vì “lỡ theo” nên phải theo cho đến cùng, biết làm sao được!
Lo lắng khi sự kiện gặp rủi ro
Chẳng có bậc cha mẹ nào không lo lắng cho những đứa con của mình trước khi chúng “ra trận” tham gia những kỳ thi hay bước sang những bước ngoặt mới. Người làm sự kiện cũng vậy. Làm sao không lo được khi bất cứ rủi ro nào cũng có thể xuất hiện khiến sự kiện không được diễn ra như mong đợi!
Nỗi lo càng tăng lên nhiều lần; nếu những rủi ro thực sự xảy ra mà không có hướng giải quyết. Chỉ những ai trong hoàn cảnh ấy mới hiểu được giọt nước mắt của sự lo lắng. Lo sự kiện không được thành công viên mãn, lo khách hàng sẽ thất vọng; sẽ không hài lòng, lo cho cảm xúc của những người tham dự,…
Lo nhiều thứ nhưng quên đi cảm xúc của “chính họ” – Những con người cứ mãi hy sinh thầm lặng vì tập thể. Đó chính là phẩm giá đáng trân quý nhất của người làm sự kiện!
Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc là điều “xa xỉ”
Thử làm sự kiện mới hiểu được cảm giác ngủ không đủ giấc, nửa đêm giật mình nhớ ra còn việc. Hay đôi khi một ngày chỉ ăn một bữa; vì còn lo cho “đứa con tinh thần” chưa tới nơi tới chốn. Hy sinh bữa ăn và giấc ngủ tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
Thật ra có thể từ bỏ, cũng có thể không cố gắng nhưng “lương tâm nghề nghiệp” không cho phép. Dù nhiều lần cảm thấy bất lực, muốn buông xuôi nhưng không thể; vì hai từ “trách nhiệm” còn trên vai. Để rồi có lúc nước mắt cũng rơi – Những giọt nước mắt nghề sự kiện, những giọt nước mắt tủi thân một chút. Nhưng tin rằng, sau những giọt nước mắt ấy; “họ” càng trưởng thành hơn, càng quyết tâm hơn, càng mạnh mẽ hơn.
Đó cũng chính là giá trị tuyệt vời mà nghề tổ chức sự kiện mang lại. Chính là “lớn lên từ những vấp ngã”; là tự trải nghiệm để tự trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề.
Đừng làm nghề sự kiện nếu không “thực sự yêu”!
Đừng chọn nghề tổ chức sự kiện! Nếu “tình yêu” chưa đủ lớn, nếu “dũng cảm” chưa đủ nhiều. Và nếu chỉ muốn đạt được thành công mà không biết chấp nhận thất bại. Bạn cũng sẽ không thể “đi đường dài” nếu không thấu hiểu được giọt nước mắt nghề sự kiện.
Làm sự kiện cũng vui nhưng cũng có lúc buồn; có đôi lúc mọi thứ đều “màu hồng” nhưng cũng không tránh khỏi những lần “bế tắc”. Điều quan trọng cần có là phải biết chấp nhận, sẵn sàng trải nghiệm, không ngừng học hỏi. Đặc biệt luôn nuôi dưỡng đam mê với nghề sự kiện. Có như vậy, mới nhận được những đền đáp xứng đáng, những giá trị thực sự từ nghề tổ chức sự kiện.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công Ty Tổ Chức Sự Kiện Bạch Phong
Event | Communication | Media
Văn phòng: 02 Hoa Phượng, Phường 02, Quận Phú Nhuận, TP. HCM
Chi nhánh: 21 Đường A4, Phường 12, Quận Tân Bình, TP. HCM
Hotline: 0909.260.562
Website: www.bachphongevent.vn
Email: [email protected]